Từ đầu năm nay, Trung Quốc siết chặt kiểm tra 100% lô sầu riêng nhập khẩu, thay vì chỉ kiểm tra ngẫu nhiên 10-20% như trước. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam vẫn loay hoay xử lý các cảnh báo kỹ thuật, Thái Lan đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu và được Trung Quốc "bật đèn xanh", vươn lên dẫn đầu xuất khẩu sầu riêng vào thị trường tỷ dân.
Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 35.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, thu về khoảng 120-130 triệu USD. Ngược lại, Thái Lan xuất khẩu tới 71.000 tấn, đạt 287 triệu USD, gấp đôi về sản lượng lẫn kim ngạch của Việt Nam.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan, ngày 28 và 29/4, có 6 container sầu riêng nước này (96 tấn, trị giá 4,2 triệu NDT) lần đầu được vận chuyển qua Việt Nam để thông quan tại cửa khẩu Long Bang (Quảng Tây, Trung Quốc).
Long Bang là cửa khẩu đường bộ, đối diện cửa khẩu Trùng Khánh (Cao Bằng, Việt Nam). Hàng Thái đi đường bộ qua Việt Nam để xuất sang Trung Quốc qua Long Bang vì đây là tuyến gần nhất, tiết kiệm chi phí và thông quan nhanh, đặc biệt thuận lợi để vào miền Nam Trung Quốc.
Theo đó, cửa khẩu này đã mở làn xanh riêng, kéo dài giờ làm và bố trí nhân lực túc trực 24/7, giúp hàng Thái được rút ngắn thời gian thông quan. Long Bang là một trong năm cửa khẩu quan trọng của Quảng Tây, chuyên nhập nông sản và từng ký nghị định đơn giản hóa kiểm dịch trái cây với Thái Lan từ năm 2021. Sau lô sầu riêng này, Long Bang trở thành cảng thứ 6 ở Quảng Tây được phép nhập khẩu trái cây Thái.
Thành công này đến từ việc Thái Lan chủ động ứng phó khi Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn mới về dư lượng Cadimi và chất vàng O (Basic Yellow 2, BY2) - các chất có thể gây ung thư. Ngay trong tháng 1, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã tổ chức họp khẩn, ban hành bộ tiêu chí "4 không": không sầu riêng non, không sâu, không giả, không phẩm màu và chất cấm.
Các nhà máy đóng gói của Thái Lan cũng đồng loạt được kiểm tra và khử trùng, đặc biệt rà soát kỹ chất vàng O. Mọi cơ sở vi phạm đều bị rút giấy phép ngay. Ngoài ra, gần 300 phòng kiểm định địa phương đóng vai trò như các "nhà môi giới" kỹ thuật, trực tiếp xuống tận vườn để xác nhận chất lượng trước khi chủ vườn được phép bán sầu riêng cho thương lái. Sau đó, hàng hóa còn phải trải qua lần kiểm định thứ hai tại phòng xét nghiệm đạt chuẩn Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) trước khi đóng gói.
Đến tháng 4, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho biết Trung Quốc đã công nhận 10 trung tâm xét nghiệm Cadimi và BY2 đạt chuẩn, giúp đẩy nhanh thông quan và tạo lợi thế cho Thái Lan đúng vào mùa thu hoạch rộ.
Trước đó, trong tháng 2, Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, bà Narumon Pinyosinwat đã tháp tùng Thủ tướng nước này sang thăm Trung Quốc, trực tiếp thúc đẩy mở cửa nông sản, trong đó có sầu riêng. Đây được xem là bước đi ngoại giao quan trọng để tạo niềm tin và sự hỗ trợ chính thức từ GACC.